Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

Đăng ký ngay

    Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

    Đăng ký ngay

      a

      FTMS Việt Nam

        /  Kiến thức   /  Kỹ năng tài chính là tấm vé vào nghề nhưng làm CFO bạn cần nhiều hơn thế!
      Chặng đường trở thành CFO sẽ không thể suôn sẻ nếu bạn không trang bị cho mình tác phong và kỹ nghệ làm nghề của một Giám đốc Tài chính.

      Kỹ năng tài chính là tấm vé vào nghề nhưng làm CFO bạn cần nhiều hơn thế!

      Kỹ năng tài chính là tấm vé vào nghề nhưng làm CFO bạn cần nhiều hơn thế! 

      image 26

      Trong một buổi phỏng vấn gần đây, CFO của “gã khổng lồ” ngành phần mềm Epicor, ông David Mehok, đã được hỏi về sự phát triển của ngành tài chính nói chung và vai trò của CFO nói riêng. Theo ông, các kỹ năng tài chính bây giờ là một tấm vé vào nghề và CFO trong thế kỷ 21 còn cần phải là một nhà lãnh đạo, một nhà truyền thông và là một chiến lược gia. Những kinh nghiệm gần đây của ông với cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã được đưa ra trong buổi phỏng vấn này, lý giải các tình huống và cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò của lãnh đạo tài chính trong cuộc khủng hoảng. 

      David Mehok hiện là giám đốc tài chính của tập đoàn Epicor, chịu trách nhiệm về tài chính, công nghệ và pháp lý. Trước khi gia nhập Epicor, ông là CFO của CLEAResult có trụ sở tại Austin – Nhà cung cấp các chương trình và dịch vụ tiết kiệm năng lượng lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Trước đó, ông đã làm việc cho tập đoàn Dell hơn 18 năm với nhiều vai trò tài chính khác nhau bao gồm Trưởng phòng Quan hệ nhà đầu tư và là lãnh đạo tài chính cho một trong những phân khúc kinh doanh lớn nhất của tập đoàn này, chịu trách nhiệm lãnh đạo hiệu quả tổ chức tài chính, hợp tác với các nhà lãnh đạo bán hàng và vận hành để đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả. Ông là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Texas và có bằng cử nhân Khoa học Kế toán của đại học Villanova. 

      Khi được hỏi về vai trò của CFO và những thách thức mà các chuyên gia tài chính đối mặt khi phải đồng thời phát triển cả kỹ năng nghề nghiệp lẫn kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, đối thoại với nhà đầu tư, ông nói: “Các kỹ năng tài chính chỉ là một tấm vé vào nghề. Tài chính cần gắn kết với tất cả các khía cạnh của một doanh nghiệp, và CFO cũng như bộ phận tài chính cần phải có vai trò nhiều hơn là chỉ “gặm nhấm các con số”. Tất nhiên, việc hạch toán và lập kế hoạch cần phải được thực hiện tốt nhưng những kỹ năng đó nên kết hợp thêm với các kỹ năng kinh doanh khác như chăm sóc mối quan hệ đối tác, đàm phán, giao tiếp hiệu quả với khách hàng, lên kế hoạch chiến lược. Cũng không phải là chúng ta cần biết tất cả nhưng có những mặt mà chuyên gia tài chính cần phải biết và làm một cách tốt nhất”. 

      Thật vậy, bản thân David Mehok là một minh chứng. Bản thân ông đã phải xây dựng các kỹ năng về giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ với khách hàng, với đối tác, với bên cho vay, với các cổ đông… Và khi nói về giao tiếp thì khả năng hiểu và truyền đạt tình hình kinh doanh là hết sức quan trọng. Chúng ta không thể chỉ đưa ra những con số khô khan, những trích lược tài chính đơn thuần. Thay vào đó: “trong môi trường kinh doanh ngày nay, các chuyên gia tài chính cần có khả năng kể câu chuyện đằng sau những con số một cách hiệu quả và khiến câu chuyện đó cộng hưởng với những người khác”. 

      >>> Xem thêm: Transferable skills – Những kỹ năng quan trọng giúp người đi làm vượt qua Covid 19 

      Học chia sẻ, còn cần phải học lắng nghe. Là một lãnh đạo, kỹ năng lắng nghe của CFO là vô cùng quan trọng. Bởi chính CFO là người sẽ đưa ra các lời khuyên tốt nhất cho một chiến lược đầu tư, rất nhiều cá nhân và bộ phận của doanh nghiệp sẽ mong đợi ở CFO một sự hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính. Vì vậy, bản thân CFO phải lắng nghe, thấu hiểu cẩn thận để đưa ra giải pháp và những câu trả lời tối ưu nhất. Chúng ta đều biết, dữ liệu và các con số mà nó thể hiện có sức mạnh rất lớn đối với doanh nghiệp nhưng nó chỉ như thế khi chúng ta hiểu và biết cách truyền đạt sao cho hiệu quả, rõ ràng và súc tích nhất. 

      Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 như muốn “bóp nát” mọi ngành công nghiệp, người ta dự đoán rằng cách thức kinh doanh sẽ có nhiều thay đổi lớn đi kèm với các biến động khó lường. Vậy CFO làm cách nào để giúp tổ chức của họ vượt qua những biến động này? 

      Ông Mehok tiếp tục: “Trong hai mươi năm qua tôi đã lãnh đạo các tổ chức tài chính toàn cầu và đã trải nghiệm trực tiếp vai trò của CFO được nâng lên thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của tổ chức, cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Chúng tôi có trách nhiệm dẫn dắt và đưa các tổ chức vượt qua biến động bằng tiếng nói của sự lạc quan và cơ hội. Chúng tôi cũng phải đảm bảo thông điệp của mình được cân bằng với thực tế hiện có và được chứng minh bởi các dữ liệu. 

      Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi tổ chức đều bị tác động bởi Covid-19. Một số doanh nghiệp đã phát triển chậm lại trong khi một số khác lại xem đây như là cơ hội kinh doanh mới, từ đó hình thành nên áp lực tài chính và nhu cầu nhanh chóng điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động để thích ứng với làm việc tại nhà. Dù có nhiều thông tin đáng tiếc về các doanh nghiệp “khó mà qua khỏi” thì chúng ta cũng thấy những cơ hội và kết quả tích cực mở ra, giúp nhiều tổ chức mạnh mẽ và phát triển kiên cường hơn trong dài hạn” 

      Ông Mehok cũng chỉ ra vai trò của CFO trong việc giữ được tính giao tiếp, truyền thông nội bộ khi khủng hoảng xảy ra, đặc biệt là khi buộc phải làm việc tại nhà. “Nếu các nhà lãnh đạo vắng mặt hoặc không truyền thông trong thời kỳ khủng hoảng nhận thức, các tổ chức có xu hướng có kết quả kinh doanh kém hơn”. 

      >>> Xem thêm: Các chứng chỉ kế toán quản trị dành cho nhân sự tài chính cao cấp 

      Trong trường hợp của Mehok, ông đã thực hiện các cuộc họp hằng tuần với toàn bộ tổ chức để duy trì liên lạc, lắng nghe những câu hỏi và mối quan tâm của nhân viên, cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về doanh nghiệp và cho họ thấy tính khả thi của tình hình kinh doanh, ổn định tinh thần làm việc. 

      Trên thực tế, việc duy trì sự liên lạc trong tổ chức cũng không quá khó khăn bởi công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp trên toàn cầu, giúp tối đa hóa năng suất làm việc và hoàn thành mọi thứ từ xa chứ không cần phải mặt đối mặt. 

      Bên cạnh duy trì truyền thông nội bộ, việc lên kế hoạch kinh doanh trong thời gian này cũng là yêu cầu cấp thiết bởi một khi dịch bệnh đã làm “chệch hướng” của các kế hoạch trước đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng xác lập kế hoạch “sống cùng”, vượt qua và vươn lên hậu khủng hoảng cho thời gian còn lại của năm dù điều này không dễ dàng gì. Sau khi có kế hoạch, việc cần làm là phải phân tích độ nhạy và các diễn biến xung quanh việc thực thi để điều chỉnh kịp thời, không bị sa lầy và đạt được kết quả tốt nhất. 

      Và là một CFO, ông xem các dữ liệu thu thập được từ khách hàng là hết sức quan trọng. Bản thân Epicor luôn đặt khách hàng làm trọng tâm, hiểu các thách thức tài chính mà khách hàng gặp phải, khả năng phục hồi của họ… Từ chính những dữ liệu đó, Epicor có thể xem xét cách hỗ trợ khách hàng tối đa, có được tầm nhìn rõ nét hơn về chuỗi cung ứng cùng các giải pháp, kế hoạch xử lý vượt qua khủng hoảng. 

      Bên cạnh kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu hiểu, Mehok nhấn mạnh kỹ năng công nghệ thông tin cũng vô cùng cần thiết cho một CFO. “Công nghệ không còn đứng riêng một mình nữa, nó tham gia vào mọi khía cạnh trong kinh doanh. Đây là một trong những lý do tại sao tôi tin rằng các CFO luôn phải cập nhật công nghệ để có thể hiểu và sử dụng nó hiệu quả, giúp doanh nghiệp thích nghi khi thời thế đổi thay… Đây là một quá trình học hỏi và khám phá liên tục”. 

      >>> Xem thêm: Thiết kế lại năng lực cho tương thích với kỷ nguyên kỹ thuật số 

      Một ví dụ khác về lợi ích của việc luôn đi đầu trong các xu hướng công liên quan đến an ninh mạng. Thật không may, Covid-19 đã khiến cho những vấn đề bảo mật gia tăng, chúng tôi phải đào tạo cho đội ngũ nhân sự tài chính những kỹ năng bảo mật cần thiết để duy trì một môi trường làm việc an toàn nhất là khi làm việc tại gia. 

      Một câu hỏi khác dành cho Mehok đó là trong vai trò từng là CFO của CLEAResult, nhà cung cấp các chương trình và dịch vụ tiết kiệm năng lượng lớn nhất Bắc Mỹ, ông đã tham gia vào nhiều thương vụ mua bán sát nhập M&A. Trong tình hình Covid-19 như hiện nay, việc M&A có thể sẽ diễn ra rất nhiều vậy thì vai trò của CFO trong vấn đề này là gì? 

      Mehok đáp: “Tôi nghĩ M&A sẽ xuất hiện nhiều trong tương lai. Một số công ty đang trong giai đoạn chuyển mình, cần tự đánh giá và thay đổi để tồn tại lâu dài và phục hồi tình hình tài chính hậu Covid-19. Vì vậy, các CFO cần có sự nhạy bén trong các con số, khéo léo sử dụng các chiến lược để có được một thương vụ M&A hiệu quả. CFO không chỉ cần phải kết hợp các hiểu biết về tình huống trong kinh doanh, mà còn phải am hiểu cấu trúc tài chính, hợp đồng, chiến lược dài hạn của công ty để có thể đảm bảo mang lại giá trị tối đa cho công ty thông qua những thương vụ này”. 

      Như vậy, qua những chia sẻ của ông Mehok, FTMS Việt Nam hi vọng các anh/ chị và các bạn đã có thể hiểu hơn về vai trò của CFO và một số những kỹ năng mà CFO cần trang bị. 

      Có thể bạn sẽ thích

      Bình luận

      error: Content is protected !!